Sức mạnh của dữ liệu + Trí tuệ nhân tạo – AI July 26, 2018

Những con số biết nói

Sự kiện gian lận điểm trong kỳ thi THPT đang thu hút sự chú ý của dư luận, nhưng ít ai biết được nguồn gốc của sự gian lận nay. Trước đó không lâu, trên mạng xã hội đã chia sẻ những thống kê cơ bản của thầy giáo, học sinh Hà Giang về sự bất thường của điểm thi thử và thi thật ở những thí sinh này. Và rồi có lẽ những con người gian dối sửa điểm thi cũng không ngờ rằng, việc sửa điểm quá nhiều thí sinh đã khiến cho phổ điểm thi của tỉnh Hà Giang trở nên nổi trội hơn nhiều so với các địa phương khác.

Các điểm bất thường của dữ liệu luôn biết nói. Dữ liệu đi kèm với phân tích cũng có thể khai thác được nhiều khía cạnh của đối tượng sở hữu dữ liệu đó. Một trường hợp cụ thể hơn là Facebook và Google. Ai cũng biết rằng những ông lớn này không dại gì mà cung cấp dịch vụ miễn phí cho cả thế giới, họ thu lại bằng cách bán thông tin và dữ liệu người dùng, nhưng ngày càng tinh vi và thông minh hơn, nhờ vào big data và trí tuệ nhân tạo (AI).

 

Suc manh cua data + AI

Dữ liệu một khi đã trở nên lớn hơn cũng mang lại nhiều giá trị khổng lồ khác để khai thác, đôi khi chệch hướng phát triển ban đầu. Ví dụ cho trường hợp này có thể nhắc đến Uber hay Grab.Ban đầu, dữ liệu chỉ đơn thuần là những thông tin cơ bản như ngày tháng năm sinh, số điện thoại, lịch sử trình duyệt,… Tuy nhiên, hệ thống AI gần đây được xây dựng thông minh hơn. Chúng thậm chí có thể đoán được phần nào tính cách của khách hàng, nhận diện được bạn muốn nói hay sở hữu thứ gì qua những bài viết chia sẻ, và rồi bán cho những công ty sản phẩm tiềm năng.

Những hãng công nghệ này sử dụng phần mềm để kết nối vận tải, bao gồm cả người và hàng hóa, nhưng vì dữ liệu và thiết bị kết nối nhiều quá, các dịch vụ cộng thêm mới là hướng đi mới, như các loại ví điên tử. Thậm chí, Grab mới đây còn tung ra khái niệm “siêu ứng dụng”, mời gọi các startup khác tích hợp thêm dịch vụ vào nền tảng của Grab.

Một ông lớn khác được định giá cao là Tesla với mô hình xe điện thời thượng. Tuy nhiên, giá trị của Tesla còn nằm ở chỗ hãng xe này trong nhiều năm qua thu thập được dữ liệu tự lái lên đến 1,3 tỉ dặm, lớn hơn nhiều so với Waymo, mô hình tự lái của ban Alphabet (của Google).

Alibaba vừa tạo ra một công cụ AI cho phép viết ra 20.000 quảng cáo mỗi giây. Theo đó, các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba như Tmall, Taobao, Mei.com và 1688.com sẽ được chèn một thanh công cụ cho phép “tạo ra quảng cáo thông minh theo mẫu” dựa vào một nút bấm. Nhà bán hàng có thể lựa chọn các ý tưởng quảng cáo khác nhau để tạo ra quảng cáo của riêng mình với AI do Alibaba phát triển.

Dữ liệu khi kết hợp cùng AI mang lại nhiều ứng dụng trong cuộc sống. Với ngành y khoa, các bác sĩ còn đưa cả AI vào phòng khám, giúp chẩn đoán bệnh nhanh hơn, rẻ hơn, đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh nhân ung thư bằng các máy quét.

Còn trong lĩnh vực tài chính, báo cáo “Năng lực của con người” của HSBC nghiên cứu gần đây, dự đoán rằng nghề “Chuyên viên thiết kế thuật toán” sẽ là một trong 6 nghề nghiệp của tương lai, là thách thức và cơ hội mà ngành ngân hàng đang đối mặt.
“Xu hướng đưa ra quyết định dựa trên các thuật toán ngày càng gia tăng. Người dùng thông qua nhiều dữ liệu đầu vào để nhanh chóng đưa ra kết luận”, báo cáo mô tả.

Trong khi đó, PwC nhận định rằng AI được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, hậu cần, vận tải, đến tài chính, ngân hàng… “Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ doanh nghiệp tự động hóa những quy trình mang lại giá trị thấp, giúp xác định các gian lận trong yêu cầu bồi thường và hóa đơn, điều khiển xe tự lái trong vận tải, hay thúc đẩy sự tương tác với khách hàng qua các kênh di động”, đại diện PwC cho biết.

Sức mạnh của dữ liệu

Rất nhiều tranh cãi bùng nổ gần đây về các vụ việc rò rỉ dữ liệu người dùng từ Facebook, Gmail… Điều đó cho thấy, dữ liệu hiện nay như những “mỏ vàng” mà mọi doanh nghiệp đều muốn khai thác. Thậm chí, lãnh đạo Hà Nội còn đề xuất chia sẻ thông tin cá nhân với ngành khác để thu phí.

Được ứng dụng trong tất cả các ngành, nhưng riêng trong lĩnh vực kinh doanh, dữ liệu càng quan trọng hơn bao giờ hết. Dữ liệu được tạo ra từ các giao dịch bán hàng, tương tác với khách hàng và những hoạt động kinh doanh khác tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ chưa được cấu trúc.

Theo số liệu của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC), dung lượng dữ liệu được dự báo sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 2 năm trong thập niên tới. Tuy nhiên, chỉ có 0,5% trong tổng số dữ liệu được phân tích và sử dụng.

Với giới kinh doanh, mục tiêu của việc phân tích dữ liệu là nhằm tìm ra những thông tin đáng giá, qua đó nâng cao hiệu suất hoạt động tương lai của doanh nghiệp. Ông Scott Albin, Lãnh đạo Dịch vụ Phân tích Dữ liệu của PwC khu vực Đông Nam Á, khẳng định dữ liệu chính là trái tim của doanh nghiệp. “Sử dụng phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo có thể tăng thêm giá trị cho tất cả các phần trong chuỗi giá trị và khi ra quyết định kinh doanh”, ông Scott cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo PwC, vẫn còn một khoảng cách rất lớn để biến dữ liệu thành thông tin  và rồi từ thông tin đã có sang thực thi. Báo cáo Công nghiệp 4.0 của PwC năm 2017 cho thấy 74% lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết doanh nghiệp của họ không có khả năng phân tích dữ liệu chuyên sâu và chỉ 14% cho biết doanh nghiệp của họ có bộ phận phân tích dữ liệu riêng phục vụ cho nhiều phòng ban khác nhau.

Thêm nữa, việc thiếu nguồn lực và nhân lực có chuyên môn, yêu cầu đầu tư chi phí cao là những rào cản các doanh nghiệp tích hợp hệ thống phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo vào hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những mối quan tâm về sự lo ngại giữa con người và AI. Andrew Connell, Giám đốc toàn cầu về Sáng tạo và Hợp tác, kiêm Giám đốc Bộ phận Kỹ thuật số, khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Khối Tài chính cá nhân và quản lý tài sản, HSBC, cho biết: “Điều mà chúng ta chắc chắn chính là trí tuệ nhân tạo sẽ không thay thế được trí tuệ của con người. Trong lĩnh vực trải nghiệm khách hàng, sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến nhất với năng lực của con người sẽ tạo nên sự khác biệt giữa một trải nghiệm tốt với một trải nghiệm tuyệt vời”.

Còn Tom Cheesewright, Nhà tương lai học ứng dụng, đồng tác giả của báo cáo HSBC cho rằng mặc dù máy móc sẽ tiếp tục đảm nhiệm các quy trình mang tính tự động, nhưng nguồn lực con người sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng.

“Chính các ưu thế như tính tò mò, khả năng sáng tạo và sự đồng cảm sẽ tiếp tục làm cho chúng ta khác biệt với máy móc”, Tom cho biết.

Trong thế kỷ tiếp theo, dữ liệu sẽ trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng. “Thông tin số không giống bất kỳ tài nguyên nào trước đó; nó được chiết xuất, tinh chế, trở nên có giá trị, mua và bán theo nhiều cách khác nhau. Nó thay đổi các quy tắc của thị trường và đòi hỏi cách tiếp cận mới từ các nhà quản lý. Nhiều trận chiến sẽ xuất hiện giữa những ai sở hữu và hưởng lợi từ dữ liệu”, tờ The Economist nhận định.

Nhịp Cầu Đầu Tư